Review toàn cảnh trường Cao Đẳng Sư Phạm Đà Lạt – Ngôi trường với kiến trúc cổ kính ấn tượng
1Review toàn cảnh trường Cao Đẳng Sư Phạm Đà Lạt – Ngôi trường ‘hót hòn họt’ này nằm ở đâu nhỉ?
Địa chỉ: 29 Yersin, phường 10, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng
Tọa lạc tại vị trí cực lý tưởng trên đường Yersin, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt nằm cách trung tâm thành phố khoảng hơn 2km một xíu. Hiện nay, trường chính là một trong những địa điểm tham quan tại Đà Lạt nổi tiếng với mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ khi sở hữu không gian cổ kính ấn tượng cùng bầu không khí thoáng đãng. Bật mí với bạn, khung cảnh tại trường là phông nền hoàn hảo cho những bức ảnh triệu like đó nha!
Xem thêm: Review toàn cảnh ga Đà Lạt – Nhà ga cổ nhất Việt Nam
Một điều đặc biệt là so với những các điểm tham quan khác tại địa phương, trường không thu phí ra vào cửa của mọi người. Nhưng bù lại, nếu muốn đi dạo và chụp ảnh, tham quan khắp khuôn viên trường, bạn nhớ đưa chứng minh nhân dân hoặc các loại giấy tờ tùy thân khác cho khu vực bảo vệ nhé. Khi bạn trở ra thì các bác sẽ trả lại thôi nên bạn đừng lo quá nha!
Nằm trên con đường Yersin rộng rãi và dễ đi, thế nên bạn sẽ có thể đến tham quan trường một cách cực dễ dàng. Thông thường, xe máy và ô tô chính là hai lựa chọn hàng đầu của mọi người trong hành trình khám phá Đà Lạt. Bạn có thể search google maps trước khi đến hoặc hỏi người dân là họ sẽ chỉ nhé, bạn không phải lo là sẽ bị lạc đâu nè. Nếu không, bạn có thể đi theo lộ trình mà Lang Thang Đà Lạt bật mí ngay sau đây nhé: Trung tâm thành phố – Hồ Tùng Mậu – Trần Quốc Toản – Yersin. Từ đầu đường Yersin, bạn tiếp tục đi thẳng thêm tầm chừng 800m nữa là sẽ đến được Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt.
2Review toàn cảnh trường Cao Đẳng Sư Phạm Đà Lạt – Trường thành lập từ năm bao nhiêu đây bạn ơi?
Được thành lập vào năm 1927, trường Cao Đẳng Sư Phạm Đà Lạt là ‘đứa con tinh thần’ của Moncet – một vị kiến trúc sư người Pháp. Lớp học đầu tiên của trường được dùng để giảng dạy cho những trẻ em Pháp cũng như những đứa con xuất thân từ các gia đình giàu có của Việt Nam lúc bấy giờ. Sau đó, trường được Tòa Giám Mục Komtum mua lại với mục đích làm nơi học tập cho các chủng sinh thuộc giáo phận này.
Trước kia, trường có tên là Petit Lycée Đà Lạt, sau đó trải qua một lần đổi tên khác thành Grand Lycée de Đà Lạt và Grand Lycée Yersin để tưởng nhớ Tiến sĩ Alexandre Yersin đại tài. Sau này, trường chính thức được đổi tên thành Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, đồng thời được công nhận là một trong số các di tích kiến trúc quốc gia. Bên cạnh đó, trường còn được Hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) công nhận là một trong số 100 công trình xây dựng độc đáo của thế giới trong thế kỷ XX.
3Tất tần tật những điều thú vị về trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt có thể bạn chưa biết
Ít ai biết rằng, trường được xây dựng hoàn toàn bằng các loại gạch và ngói có xuất xứ từ Pháp với mái dốc được ốp bằng ngói thạch bản xanh đen, gạch trần đỏ làm tường và đuôi mái được bẻ góc với hệ thống cửa sổ mái cùng tông màu cam đỏ làm chủ đạo. Sau này, trải qua nhiều biến động và theo dòng thời gian thoi đưa, kiến trúc tổng thể của trường cũng ít nhiều có sự thay đổi, chẳng hạn như mái ngói, một vài bức tường. Hiện nay, mọi người vẫn đang cố gắng gìn giữ trọn vẹn kiến trúc cũ ấn tượng của trường như một ‘vị chứng nhân lịch sử’, chứng kiến bao sự thay đổi của thành phố ngàn hoa.
Có một điều đáng tiếc là hiện nay, tháp chuông được đặt trên tòa nhà hình cánh cung của ngôi trường đã bị hư hại nghiêm trọng, chiếc đồng hồ đã bị mất nhưng không thể tìm được vật nào có thể thay thế cả. Thế nên ngày nay khi đến đây, bạn chỉ có thể nhìn thấy một sàn gạch chìm trên vết tích của chiếc đồng hồ cũ mà thôi.
Là một trong những tòa nhà chính của trường, giảng đường này có chiều dài phía trước tầm 77m, phía sau tầm 90m với ba tầng và 24 phòng học. Trước khi, giảng đường được thiết kế theo ý tưởng hình vòng cung như một cuốn sách đang mở, ngụ ý khẳng định khát vọng trí tuệ với học thức uyên bác của bao lứa sinh viên theo học tại đây.
Nằm ở phía cuối giảng đường chính là tháp chuông được xây dựng tại vị trí cao nhất của khuôn viên Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt với chiều cao ấn tượng: 54m. Tháp chuông được lợp ngói thạch bản mang dáng vẻ xưa cũ, đồng thời cũng có chút hiện đại đan lẫn, tạo nên tổng thể ấn tượng và hài hòa đến lạ.
Là biểu tượng của văn hóa Pháp đại diện cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của kho tàng tri thức, đồng thời là cán cân thúc đẩy ước mơ. Tháp chuông ấy giờ đã xuất hiện giữa lòng thành phố mộng mơ, khiến tổng thể kiến trúc của ngôi trường trở nên cổ kính và lãng mạn tựa những tòa lâu đài Âu châu ngày trước.
Trước kia, mọi người thường bảo nhau rằng chỉ cần đứng tại khu vực đỉnh tháp là bạn sẽ được ngắm nhìn toàn cảnh thành phố. Tuy nhiên, đáng tiếc hiện nay vì một vài lý do khách quan mà đường lên đỉnh tháp đã bị đóng cửa. Thế nhưng, đứng từ xa thôi là bạn cũng có thể ngắm trọn vẹn vẻ đẹp của ngọn tháp với khoảng sân rộng tưởng chừng như đang dang tay ôm trọn cả bầu trời Đà Lạt rồi.
Là nơi có diện tích rộng rãi nhất khuôn viên trường, khoảng sân này chính là nơi dùng để tổ chức những buổi học thể chất, thể lực của trường. Trải dài khắp khuôn viên chính là những cây thông tươi tốt được nhà trường trồng và khéo léo chăm sóc, điều này càng tô đậm nét chất châu Âu nơi ngôi trường cao đẳng có kiến trúc ấn tượng nhất nhì Đà Lạt.
Bên cạnh khu giảng đường chính, trong khuôn viên trường còn có nhiều tòa nhà khác được xây dựng song song với quy mô 2, 3 tầng. Những dãy nhà này có thiết kế đồng nhất với nhau và sử dụng tông màu vàng cam làm màu chủ đạo, bên cạnh những cửa sổ gỗ sơ xanh và phần mái được lợp bằng ngói đỏ. Các dãy nhà này có kết cấu trang trí mặt đứng đơn giản ở khu vực tầng trệt với các cột nối nhau thành hình vòm cung và được xây hoàn toàn từ gạch nung.
Đây là những dãy nhà dùng để phục vụ mục đích dạy học cũng như một loạt những tiện ích khác như phòng thí nghiệm, phòng ban quản trị, phòng họp, ký túc xá sinh viên, v.v. và được nối nhau bằng một hệ thống hành lang với phía trên là những hàng cột ghép thành đôi sơn trắng, tạo sự nhẹ nhàng và thanh thoát cho toàn bộ công trình. Tuy nhiên, nếu những khu phòng học tập, hành chính được xây dụng theo phong cách kiến trúc Thụy Sỹ thì ngược lại, những nhà phụ với khu vực hội trường, nhà hiệu trưởng, phòng nghỉ lại mang đậm dấu ấn của những trường học Pháp ngày trước.
4Trường Cao Đẳng Sư Phạm Đà Lạt có mở cửa cho mọi người tham quan không?
Là một trong những địa điểm tham quan tại Đà Lạt nổi tiếng nhất nhì, thế nên trường đã nhận được nhiều sự ưu ái của các bạn trẻ. Điều này đã vô tình làm mất cảnh quan trường học và gây ảnh hưởng đến chất lượng học tập của sinh viên tại đây. Thế nên theo chia sẻ và Review toàn cảnh trường Cao Đẳng Sư Phạm Đà Lạt của mọi người thì từ tháng 4 năm 2019, trường đã ra thông báo tạm ngưng nhận khách vào tham quan, cốt để bảo vệ khuôn viên trường và không gây ảnh hưởng đến quá trình giảng dạy, học tập và sinh hoạt. Tuy nhiên, hãy cứ hy vọng một ngày trường sẽ chào đón mọi người lại bạn nhé, biết đâu được đúng không nè.
Bạn ơi, với ‘chiếc’ Review toàn cảnh Trường Cao Đẳng Sư Phạm Đà Lạt mà Lang Thang Đà Lạt vừa bật mí, bạn cũng đã hình dung được phần nào vẻ đẹp của ngôi trường này đúng không nè? Hẹn bạn một ngày đẹp trời tụi mình cùng nhau đến đây khi trường mở cửa lại nhé.
Để lại một bình luận